Người nước ngoài được định nghĩa là người không có quốc tịch của nước sở tại. Vậy, Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc người lao động nước ngoài? Hãy cùng Gia Hợp – Gia Group tìm hiểu qua nội dung dưới đây.
Người lao động nước ngoài là gì?
Theo Luật quốc tịch Việt Nam năm 2014[1], người nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam.
Xét theo quy chế pháp lý được hưởng, người nước ngoài có thể chia thành ba nhóm:
- Người nước ngoài được hưởng quy chế ngoại giao và các quy chế tương tự.
- Người nước ngoài được hưởng các quy chế theo hiệp định riêng lẻ (không thuộc quy chế ngoại giao hoặc các quy chế tương tự).
- Người nước ngoài đang định cư – làm ăn sinh sống ở nước sở tại.
Người lao động nước ngoài có các hình thức làm việc nào?
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP[2] quy định về các hình thức làm việc của người lao động nước ngoài tại Việt Nam gồm các mục sau:
- Thực hiện, thực thi các hợp đồng lao động.
- Các hoạt động/ di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp.
- Thực hiện các hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, văn hóa, thể thao, giáo dục, thương mại, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, khoa học. kỹ thuật, giáo dục nghề nghiệp, y tế,…
- Nhà cung cấp các dịch vụ vào Việt Nam.
- Chào bán các dịch vụ tại Việt Nam.
- Làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- Tình nguyện viên.
- Người chịu trách nhiệm trong việc thành lập hiện diện thương mại.
- Giám đốc điều hành – nhà quản lý – chuyên gia – lao động kỹ thuật.
- Tham gia thực hiện các gói thầu hay dự án tại Việt Nam.
Quy định về việc xác định và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài
Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐ nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài đối với từng vị trí công việc cần tuyển dụng.
Báo cáo giải trình với cơ quan thẩm quyền là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc (theo Mẫu số 01/PLI).
Trong quá trình thực thi, nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động cần phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc này (theo mẫu số 02/PLI Phụ lục I).
Trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 154 của Bộ luật Lao động và các khoản 1- 2 – 8 – 9 – 10 – 11 – 12 – 13 Điều 7 Nghị định này, người sử dụng lao động sẽ không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người nước ngoài làm việc sẽ phải có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc (theo Mẫu số 03/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này).
Quy định về Sử dụng lao động người nước ngoài của nhà thầu
Tại Điều 5 Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định về việc sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu cụ thể như sau:
Thứ nhất
Trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu phải có trách nhiệm kê khai đầy đủ về số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của NLĐ nước ngoài vào thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam cho các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài (có kèm theo xác nhận của chủ đầu tư) với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu theo (mẫu số 04).
Trường hợp nhà thầu có nhu cầu điều chỉnh hay bổ sung số lao động đã từng kê khai thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh hay bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu nước ngoài (theo mẫu số 05).
Thứ hai
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho các nhà thầu. Trong thời hạn tối đa 02 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 NLĐ Việt Nam trở lên và 01 tháng kể từ ngày nhận được đơn đề nghị tuyển dưới 500 người lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho nhà thầu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc mà không tuyển được người lao động Việt Nam.
Thứ ba
Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát cũng như yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng theo nội dung đã kê khai về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài.
Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra nhà thầu thực hiện các quy định về tuyển dụng/ sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật.
Theo dõi và quản lý người lao động nước ngoài trong việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam. Hàng quý sẽ báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình tuyển dụng/ sử dụng và quản lý người lao động nước ngoài của các nhà thầu theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Thứ tư
Hàng quý, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan có liên quan kiểm tra tình hình việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam đối với người lao động nước ngoài làm việc tại các gói thầu do nhà thầu trúng thầu thuộc địa bàn thực hiện.
Thứ năm
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương thực hiện việc giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu. Trường hợp không giới thiệu, cung ứng được lao động Việt Nam thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc mà không tuyển được người lao động Việt Nam theo Mẫu số 6 ban hành kèm Thông tư này.
Trên đây là nội dung quy định về người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Quý khách có nhu cầu tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan xin vui lòng liên hệ hotline hoặc để lại thông tin bên dưới, Gia Hợp – Gia Group sẽ liên hệ và giải đáp.